Hầu như phần lớn phụ huynh hay có suy nghĩ con học vẽ chỉ để giải trí. Nhưng điều này chỉ đúng khi con bạn còn nhỏ hoặc không có năng khiếu, tuy nhiên đối với những bạn học sinh từ lớp 7, lớp 8 trở lên và đặc biệt là những bạn học sinh cấp 3 thì hoàn toàn khác. Bởi đây là đam mê, sở thích của con, sẽ là tiềm năng để con theo nghề liên quan đến năng khiếu. Mà đã là năng khiếu thì không phải ai cũng có, vì vậy ba mẹ nên vui vẻ và ủng hộ cho con mình
Hễ cứ nghe nói học vẽ hay theo ngành vẽ là sẽ nghĩ ngay đến những câu như “Nghề không thực tế, nghề không có tiền, nghề mơ mộng”. Nhưng họ đã bao giờ thực sự tìm hiểu đúng đắn xem “Nghề vẽ là làm gì” chưa? Có bao giờ họ hiểu những sản phẩm họ tiếp xúc hằng ngày, đơn giản và điển hình như chai nước mắm, lọ nước tương, chai dầu gội, gói xà bông,…đều có sự góp phần của những con người theo ngành nghề không thực tế ấy vào chưa?
Từ thiết kế kiểu dáng chai, lọ, túi đựng sản phẩm, tất tật những đồ dùng hằng ngày trong nhà chúng ta đó đều là những sản phẩm được thiết kế đấy. Mà để có thể làm thiết kế được thì đầu tiên là phải vẽ được, thì mới có thể sáng tạo ra được.
Các sản phẩm quen thuộc mà ta sử dụng hàng ngày đều là sản phẩm của thiết kế (hình ảnh minh họa)
Ngoài thiết kế kiểu dáng, bao bì còn có thiết kế nhãn hiệu, logo, quảng cáo vân..vân, mà để làm cho được đẹp thì phải biết cách sắp đặt bố cục, phối màu sắc. Đó chính là những công việc do chính bàn tay và khối óc của những bạn theo ngành nghề “không thực tế” ấy mới thiết kế ra được. Bởi vậy nếu không có thiết kế thì nhãn mác của các sản phẩm chỉ có đánh chữ dán lên trông không khác gì các tấm biển thông báo dán ở phường, xã hay các tờ rơi thông báo tìm chó lạc, mèo lạc dán ngoài đường. Và sẽ không có những sản phẩm nhìn đẹp mắt và hấp dẫn như đồ dùng trong nhà bạn đâu.
Hay nói ngay cả những bộ trang phục, quần áo chúng ta vẫn mặc hàng ngày cũng phải qua biết bao nhiêu khâu thiết kế của những bạn làm nghề “không thực tế” đó làm như là thiết kế hoa văn vải, màu sắc trên vải. Và đấy chỉ là mới nói đến công đoạn thiết kế vải, để lên được thành phẩm còn cần có thiết kế kiểu dáng, moden,..Rồi đến in, thêu trang trí cũng đều là công việc thiết kế. Ngày nay nói đến thời trang chúng ta có biết bao nhiêu là thiết kế đủ mọi loại kiểu dáng khác nhau đa dạng, phong phú. Không giống như thời các cụ ngày xưa chỉ có mỗi kiểu áo xẻ tà và váy đụp nhuộm đen, ai cũng mặc như ai thì không cần phải có người thiết kế.
Quần áo chúng ta mặc hàng ngày đều là sản phẩm của ngành thiết kế thời trang (hình ảnh minh họa)
Hãy thử nhìn lại và suy ngẫm xem có sản phẩm nào trong nhà mà chúng ta đang dùng hàng ngày có thứ gì là không phải sản phẩm thiết kế hay không. Từ bìa cuốn tập Vĩnh Tiến có hình con nai ngày xưa hay dùng cũng đã cần có thiết kế vẽ hình ra trang trí trên đó chứ chưa nói đến những cuốn tập có bìa được thiết kế đa dạng nhiều kiểu nhiều màu như ngày nay. Như vậy có thể nói hầu như mọi sản phẩm chúng ta sử dụng đều cần thiết kế và phải qua bàn tay của những con người làm ngành nghề vốn được cho là “không thực tế” mới sản xuất ra thị trường được.
Và ngay khi công nghệ càng phát triển việc thiết kế đòi hỏi càng cao hơn, nhìn xem chính chiếc điện thoại thông minh mà chúng ta đang cầm trên tay đó, từ kiểu dáng, giao diện màn hình rồi đến cả các ứng dụng của nó đều do thiết kế mà ra. Mà để có thể làm được công việc thiết kế ấy thì tay nghề phải cực giỏi và số tiền mà những nhà sản xuất phải chi trả cho những nhà thiết kế đó cũng rất cao.
Các kiểu dáng điện thoại, giao diện và các ứng dụng đều là sản phẩm thiết kế (hình ảnh minh họa)
Nói tóm lại, những phụ huynh hay cấm con họ theo nghề vẽ vì cho rằng nghề này không thực tế nhưng trong cuộc sống hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi họ lại đang sử dụng những sản phẩm được thiết kế bởi cái nghề “không thực tế” ấy.
Các phụ huynh ạ. Khi con mình thích học vẽ và thích vẽ và nhất là con có năng khiếu vẽ đẹp hãy nên vui mừng và ủng hộ cho con. Vì con bạn đã có khả năng trời phú, có năng khiếu của nghề, bởi nghề ấy chỉ dành cho những bạn có khiếu, vì không có khiểu thì không làm được. Và hãy nhìn xung quanh xem có mấy nhà có được con cái có năng khiếu như con mình như vậy?
Hãy hạnh phúc khi con mình theo vẽ.
(Tiêu đề bài viết lấy cảm hứng từ tiêu đề của một cuốn sách cùng tên)